Tổng quan phép đo Vôn-Ampe, điện cực giọt Bismuth và ứng dụng phân tích kim loại nặng hàm lượng vết
22 thg 6, 2020
Bài viết
Một số kỹ thuật đã được phát triển để phân tích kim loại nặng trong quá khứ (phổ hấp thụ nguyên tử (AAS), plasma ghép cảm ứng (ICP) hoặc phép đo phổ huỳnh quang). Tuy nhiên, những kỹ thuật này đòi hỏi thiết bị đắt tiền cùng với chi phí bảo trì cao và nhân viên được đào tạo. Vì vậy, phân tích Vôn-Ampe hòa tan (Stripping voltammetry) được ra đời nhằm đáp ứng phù hợp cho những thách thức này, cung cấp một giải pháp thay thế đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả về chi phí và phù hợp với những nhân viên chưa qua đào tạo.
Ngoài ra, giới hạn phát hiện của kỹ thuật trong phạm vi ng/L và khả năng xác định kim loại nặng hàm lượng vết tại hiện trường làm cho nó trở nên thú vị và có giá trị. Trong bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về nguyên tắc phép đo Vôn-Ampe hòa tan, cảm biến mới trong Vôn-Ampe và ứng dụng của kỹ thuật này trong phân tích kim loại nặng hàm lượng vết.
1. Tác hại của kim loại nặng
Việc định lượng các ion kim loại nặng đóng một vai trò quan trọng trong nhiều ứng dụng, bao gồm giám sát môi trường, quản lý chất thải, nghiên cứu, hoặc thậm chí trong các thử nghiệm lâm sàng. Kim loại nặng có trong tự nhiên, nhưng sự gia tăng của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa trong hai thế kỷ qua là nguyên nhân làm tăng mức độ của chúng trong môi trường. Những thành phần nguy hiểm này được giải phóng và tích tụ trong đất, và trong nước ngầm hoặc nước mặt. Chúng xâm nhập vào chuỗi thức ăn trực tiếp từ nước uống hoặc thông qua tích lũy sinh học ở thực vật và động vật. Chính vì lý do này mà phụ nữ mang thai không nên ăn hải sản, trên cơ sở tích tụ thủy ngân (Hg) qua chuỗi thức ăn.
Mức độ độc hại phụ thuộc vào loại kim loại, vai trò sinh học và quan trọng nhất là nồng độ của nó. Sự gia tăng nồng độ chì, sắt, cadmium, đồng, asen, crom hoặc niken trong nước uống thường là nguyên nhân gây ngộ độc cho con người. Để làm nổi bật độc tính của một số kim loại nặng trong nước uống và để bảo vệ sức khỏe con người, các giá trị hướng dẫn hoặc giá trị giới hạn về nồng độ kim loại nặng trong nước uống đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc các cơ quan chức năng như Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) hoặc Ủy ban Châu Âu ban hành.